Tin mới
Search

(KỲ 1 + 2) - CHUYÊN ĐỀ 1: BÀN CHÂN - NỀN MÓNG CỦA SỨC KHỎE

KỲ I: CẤU TẠO VÀ CHỨC NĂNG CỦA BÀN CHÂN

 

Khi hai chân đứng ở tư thế chịu lực đúng (lực tác động đều lên hai bàn chân) giúp hai đầu gối chịu lực đều nhau, tiếp theo là hai khớp háng và xương chậu sẽ được chịu lực đúng. Như vậy giúp cho cột sống không bị cong vẹo.

Nếu hai bàn chân chịu lực không đều, lâu ngày sẽ khiến cho bàn chân bị bẹt, xương ngón cái bị cong lồi ra, gót chân bị lệch dẫn đến cơ thể chịu lực không cân bằng gây biến dạng các khớp và cong vẹo cột sống.

Các chuyên gia xương khớp cho rằng hình thái của xương khớp được quyết định từ đôi bàn chân. Có đến 87% nguyên nhân xương khớp trong cơ thể bị biến dạng là do đôi chân tạo thành. Nếu như tư thế đi đứng không đúng, hoặc mang kiểu giày không phù hợp, hoặc trọng lượng cơ thể quá nặng, sẽ khiến phần gót chân bị biến dạng, độ cong bàn chân cũng biến dạng (bàn chân bẹt).

 

Theo Y học Phương Đông, bàn chân là "gốc rễ" của cơ thể. Nếu bàn chân được quan tâm chăm sóc đúng cách, đều đặn cộng với lối sống lành mạnh, sống lâu trăm tuổi hoàn toàn là chuyện trong tầm tay.

 

 

Hình ảnh kinh mạch ở bàn chân (Nguồn internet)

 

Bàn  chân có 6 đường kinh trong tổng số 12 đường kinh mạch của cơ thể chạy qua. Sáu đường kinh mạch này được bắt đầu hoặc kết thúc từ đầu các ngón chân. Ngón cái có hai đường kinh chạy qua là Túc thái âm Tỳ và Túc quyết âm Can. Như vậy ngón chân cái liên quan đến Tỳ và Can. Ngón thứ hai có đường kinh Túc dương minh Vị chạy qua. Như vậy, ngón chân thứ hai liên quan đến dạ dày. Ngón thứ tư có đường kinh Túc thiếu dương Đởm đi qua. Như vậy ngón thứ tư liên quan đến Gan, mật. Ngón út có đường kinh Túc thái dương Bàng Quang. Như vậy ngón út liên quan đến Bàng quang. Riêng đường kinh Túc thiếu âm Thận bắt đầu từ huyệt Dũng tuyền ở dưới gan bàn chân chạy lệch chéo lên phía sau mắt cá trong rồi đi lên. Như vậy, lòng bàn chân liên quan đến thận.

Bàn chân cũng có rất nhiều các huyệt đạo, trong đó có nhiều huyệt đạo quan trọng với sức khỏe.

Theo y học hiện đại, bàn chân được giới hạn bắt đầu từ dưới hai mắt cá tới đầu các ngón chân. Nó gồm: Cổ chân, mu bàn chân, gót chân, gan bàn chân và ngón chân. Đây là một cấu trúc giải phẫu phức tạp bao gồm 26 xương hình dạng không đều, 30 khớp hoạt dịch, hơn 100 dây chằng và 30 cơ tác động lên các phân đoạn.

 

 

Hệ thống mạch máu nuôi dưỡng bàn chân

 

Bàn chân được nuôi dưỡng bởi hệ thống mạch máu và mao mạch rất phong phú.

Bàn chân cũng là nơi tập trung rất nhiều đầu mút tận cùng thần kinh nên rất nhạy cảm. Bàn chân cũng có hơn 60 vùng phản xạ liên quan đến tất cả các bộ phận trong cơ thể. Ví như, khu phản ánh của đầu ở trên bàn chân là ở các ngón chân, dạ dày được phản ánh ở bên trong lòng bàn chân, phía sau hành tá tràng, tiếp đó là bàng quang. Gan và tỳ ở mặt ngoài lòng bàn chân, khu vực phản ánh của cơ quan sinh dục nằm ở phần gót chân. Thận ở khu vực gần giữa lòng bàn chân, tiếp sau là tiểu tràng và đại tràng, phía trước là tuyến thượng thận, tuyến giáp trạng và phổi, phế quản…

 

Bàn chân góp phần đáng kể vào chức năng của toàn bộ chi dưới. Bàn chân nâng đỡ trọng lượng của cơ thể cả khi đứng, đi lại và chạy nhảy. Bàn chân vốn là một phần tiếp xúc lỏng lẻo với các bề mặt không bằng phẳng khi nó tiếp xúc. Ngoài ra, khi tiếp xúc với mặt nền, nó đóng vai trò giảm sóc với các lực phản ứng nền. Vào cuối “thì tựa”, nó là một đòn bẩy cứng nên “thì đẩy tới” hiệu quả. Cuối cùng, khi bàn chân bị giữ cố định trong “thì tựa”, nó phải hấp thụ lực xoay của chi dưới. Tất cả những chức năng này của bàn chân xảy ra trong một chuỗi động đóng khi nó đang chịu các lực ma sát và phản ứng từ mặt đất hoặc bề mặt khác.

 

 

Các dây thần kinh ở bàn chân

 

Tim co bóp đưa máu mang chất bổ dưỡng nuôi toàn cơ thể. Còn bàn chân, nơi xa tim nhất chịu sức nặng theo kiểu dồn nén từ trên xuống. Trong lòng tĩnh mạch có van ngăn không cho máu chảy ngược, hệ cơ ở chân góp sức ép đẩy máu chảy về tim. Máu đẩy đến chân thì dễ nhưng máu tĩnh mạch chảy ngược về tim thì lại khó. Khi hai chân được cử động đều đặn hoặc được xoa bóp đúng cách, chúng giống như một cái máy bơm có tác dụng bơm máu về tim. Bởi vậy các chuyên gia thường ví “chân là trái tim thứ hai của cơ thể”.

 

 

Vùng phản xạ bàn chân (ảnh nguồn internet)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kỳ 2: Các tín hiệu cảnh báo

Để phát hiện ra các tín hiệu cảnh báo về sức khỏe từ bàn chân thì chúng ta phải biết tự khám bàn chân cho mình. Đây cũng chính là cách mà chúng ta yêu thương, quan tâm đến cơ thể của mình. Chỉ khi chúng ta yêu thương, quan tâm đến cơ thể mình thì lúc đó sức khỏe của chúng ta mới tốt hơn được. “Thầy thuốc tốt nhất là chính mình”– không ai quan tâm, yêu thương chăm sóc sức khỏe cho bản thân bạn, bằng chính bạn. Khi bạn tự làm điều đó một cách thiệt tâm, não của bạn sẽ phát ra những tín hiệu rất tốt giúp cơ thể từng bước điều chỉnh lại để khỏe hơn. Dưới đây là cách mà chúng ta tự khám bàn chân cho mình, thông qua nhìnsờ.

  1. Nhìn (Quan sát):

Nhìn toàn bộ tránh bỏ sót: cổ chân, mu chân, hai bên mắt cá chân, phần sau của gót chân, rồi đến các ngón chân, móng chân. Tiếp theo nhìn đến phần dưới bàn chân gồm:  Lòng bàn chân, gót chân, các kẽ ngón chân.

Nhìn màu sắc da để xem có bình thường không. Bàn chân bình thường thì màu sắc da đỏ nhạt. Nếu như bàn chân có thiên hướng màu đỏ đậm thì chứng tỏ cơ thể đang có bệnh về nhiệt, nóng trong, bốc hỏa. Nếu như bàn chân trắng nhạt có sắc xanh, thì cơ thể đang bị hàn, lạnh hoặc thiếu máu nuôi dưỡng bàn chân.  Nếu như bàn chân có sắc vàng, thì cơ thể có thể bị bệnh về gan, mật; nhưng chỉ có lòng bàn chân vàng thì khả năng do thiếu máu nuôi dưỡng bàn chân. Nếu như  bàn chân có màu thiên về tím hoặc đen, thường là do nguyên nhân tuần hoàn máu kém, bị ứ trệ.

Nhìn xem có thấy các tĩnh mạch nổi trên mu bàn chân hay không. Nếu xuất hiện dấu hiệu này, chứng tỏ máu đang bị ứ lại tại các tĩnh mạch, tuần hoàn tĩnh mạch kém.

Nhìn các ngón chân xem có lông chân hay không. Bình thường ở đốt thứ nhất ngón chân có một số sợi lông. Nếu chúng ta không thấy xuất hiện các sợi lông chân này thì có thể lượng máu đi nuôi dưỡng bàn chân bị giảm.

Nhìn xem có vết chai hay không. Nếu vết chai xuất hiện ở đầu ngón chân thường là do chúng ta đi giầy bị chật. Nhưng cũng có nhiều nốt chai, sần do một loại virus ký sinh, nếu không được điều trị, vết chai sẽ không mất đi mà tăng kích thước, xâm lấn sang vùng xung quanh và lây lan sang những vùng khác. Nên đi khám bác sỹ chuyên khoa để được lời khuyên tốt nhất về cách điều trị.

Nhìn xem ngón chân có bị cong vẹo, biến dạng hay không. Một số trường hợp thường xuyên đi giầy cao gót chật quá gây ra hiện tượng trên. Ở người trung và cao tuổi, các trường hợp thoái hóa khớp bàn ngón chân hoặc bị viêm khớp dạng thấp đều gây ra hiện tượng biến dạng khớp.

 

 

Ngón chân thứ hai bị cong và chai do thói quen đi giày cao gót.

 

Nhìn xem móng chân có bình thường không. Móng chân bình thường phải có màu hồng, bề mặt móng bóng và hơi cong. Các móng đều xuất hiện hình bán nguyệt màu trắng ngà ở phần gốc móng với kích thước bằng 1/5 chiều dài của móng. Nếu móng chân màu trắng, chứng tỏ các ngón chân bị thiếu máu nuôi dưỡng. Nếu móng chân màu vàng và dầy lên thì có thể móng chân bị nấm. Nếu móng chân có các vạch màu đen chạy dọc (sau khi đã rửa sạch móng chân bằng chanh hoặc xà phòng) thì đây là tín hiệu có thể trong cơ thể tích tụ nhiều độc tố. Nếu bề mặt móng chân không nhẵn có các điểm lỗ rỗ chứng tỏ quá trình “tăng phản” của móng không tốt.

Nhìn xem da chân có bình thường không. Nếu trên da bàn chân xuất hiện những vết đen thì đó có thể là dấu hiệu của ung thư sắc tố da. Nếu trên da xuất

 

hiện những vết loét lâu lành thì có thể đường huyết trong máu tăng cao nguy cơ rất dễ bị đái tháo đường.

Nhìn xem các kẽ của ngón chân có bị viêm nhiễm hay không, nhiều trường hợp hay bị viêm nhiễm ở các kẽ của ngón chân đặc biệt là ngón chân út và áp út mà chúng ta không biết. 

Trong trường hợp bạn không cúi xuống được để kiểm tra lòng bàn chân thì bạn dùng một chiếc gương nhỏ để soi và kiểm tra qua gương. Nhìn nghiêng lòng bàn chân thấy có độ cong hay không. Nếu bàn chân mất độ cong thì bạn bị hội chứng bàn chân bẹt. Hội chứng này sẽ được trình bày kỹ ở kỳ sau.

  1. Sờ

Kiểm tra nhiệt độ bàn chân xem bàn chân bị nóng hay bị lạnh. Đông y cho rằng âm hư sinh nội nhiệt, dương hư sinh ngoại hàn. Nếu bàn chân lạnh kèm theo khả năng cơ thể chịu lạnh kém, đi tiểu đêm có thể bạn bị chứng dương hư, còn theo y học hiện đại bàn chân lạnh thường do lưu lượng máu luân chuyển đến bàn chân ít. Cấu véo với một lực vừa phải đều khắp cả hai chân để kiểm tra xem cảm giác của các vùng có tốt không. Rất nhiều trường hợp bị giảm, mất cảm giác, tê bì ở chân, nếu có hiện tượng này phải đi khám ngay. Lưu ý: Cũng có thể dùng một chiếc tăm tre châm lên các vùng của bàn chân để thay cho việc cấu véo.

Bắt mạch mu chân. Động mạch mu chân nằm ngay sát vùng mu chân tiếp nối với cổ chân giữa khe của ngón chân cái và ngón chân thứ hai. Khi chúng ta cong đầu ngón chân cái về phía mu chân sẽ thấy một gân cơ chạy dọc từ cổ chân xuống ngón cái lúc đó dùng 3 đầu ngón tay đặt bên cạnh gân cơ đó. Ở người khỏe mạnh khi sờ hai mạch ở hai mu chân thấy đập đều nhau, nếu mạch hai bên đập không đều nhau hoặc mạch đập rất yếu, khó sờ thấy được thì hệ thống mạch máu nuôi dưỡng bàn chân đang có vấn đề phải đi khám bệnh ngay. (Khi bạn gặp hiện tượng như trên thì bạn cũng đừng quá hốt hoảng hoặc lo lắng vì một số trường hợp do kỹ thuật của bạn chưa được tốt nên không bắt được chính xác vị trí của mạch lại tưởng nhầm mạch máu có vấn đề).

 

 

Cách bắt mạch mu chân

 

Bàn chân là “gốc rễ, là trái tim thứ hai của cơ thể”. Bởi vậy thường xem kiểm tra và theo dõi những dấu hiệu bất thường ở bàn chân là việc hết sức quan trọng.

 

 

 

 

Ở kỳ 1, chúng ta đã biết được cấu tạo và chức năng của bàn chân. Ở kỳ 2, chúng ta đã biết thêm cách làm “thầy thuốc” tự kiểm tra bàn chân để phát hiện ra các dấu hiệu bất thường qua đó đi khám và hỏi ý kiến của chuyên gia sức khỏe.

Ở kỳ này và kỳ sau chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách thức chăm sóc bàn chân.