Tin mới
Search

ĐAU THẮT LƯNG VÀ CÁC BÀI TẬP PHÒNG NGỮA ĐIỀU TRỊ - CHUYÊN ĐỀ 4

Kỳ 7: Đau thắt lưng

Đau thắt lưng một bên hay hai bên cột sống là một chứng bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Có thể chia làm 2 loại: Đau lưng cấp và đau lưng mạn. YHCT gọi chứng đau lưng là yêu thống.

 

  1. Phân loại và nguyên nhân gây bệnh:

  • Đau lưng cấp:

+ Đau lưng cấp do hàn thấp: xảy ra đột ngột do bị lạnh, mưa, ẩm thấp gây co cứng cơ ở cột sống một bên hoặc cả hai bên thắt lưng

+ Đau lưng cấp do thấp nhiệt (theo YHHĐ là viêm cột sống): dây chằng cột sống bị viêm bị phù nề chèn ép vào dây thần kinh gây đau vùng cột sống thắt lưng.

+ Đau lưng cấp do khí trệ, huyết ứ: gặp khi thay đổi tư thế đột ngột, hoặc mang vác nặng sai tư thế, sang chấn vùng cột sống thắt lưng. Do khi cột sống phải chịu sự đè nén của trọng lượng cơ thể hay vật nặng, các đĩa đệm bị đè nén quá mức cũng gây nên đau lưng cấp. Thể bệnh này tương đương với tình trạng thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, gai đôi cột sống của YHHĐ.

+ Trong các trường hợp ngồi liên tục nhiều giờ, làm việc trong một tư thế cố định cột sống, khối cơ lưng và dây chằng ít hoạt động gây ứ đọng chất trung gian hóa học trong cơ, đồng thời mạch máu kém lưu thông nên tình trạng nuôi dưỡng khu vực cột sống không được đảm bảo, cũng gây đau nhức vùng lưng.

+ Ở những người công việc đòi hỏi phải cúi (như cấy, gặt lúa).

  • Đau lưng mạn:

+ Thường do viêm cột sống mạn tính.

+ Thoái hóa cột sống (theo YHCT là do hai tạng can, thận suy) .

+ Đau lưng cơ năng do thống kinh ở phụ nữ (đau lưng khi hành kinh).

+ Suy nhược thần kinh.

+ Đau lưng do tâm căn suy nhược

+ Mang thai.

+ Lao, ung thư và nhiều nguyên nhân khác.

 

  1. Triệu chứng:

  • Đau lưng cấp: là đau ngang vùng thắt lưng xuất hiện một cách đột ngột, có thể bị đau tại một điểm ở giữa cột sống hoặc đau ở các điểm cạnh cột sống vùng thắt lưng. Nhiều khi đau lan tỏa sang hai bên. Bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi thực hiện các động tác cúi, ngửa, xoay người.

+ Đau lưng cấp do hàn thấp: Đau lưng xảy ra đột ngột, sau khi bị lạnh, mưa, ẩm thấp, đau nhiều, hạn chế vận động, ho và trở mình cũng đau, các cơ sống lưng bên đau co cứng. Bệnh nhân đỡ đau khi chườm ấm.

+ Đau lưng do thấp nhiệt (viêm cột sống): Có sưng, nóng, đỏ, đau vùng cột sống thắt lưng.

+ Đau lưng cấp do khí trệ, huyết ứ: xuất hiện sau khi mang vác nặng lệch người hoặc sau một động tác thay đổi tư thế đột ngột đột nhiên bị đau một bên thắt lưng, đau dữ dội ở một chỗ, hạn chế vận động, nhiều khi không cúi, không đi lại được, co cứng cơ.

  • Đau lưng mạn: đau lưng liên tục trong một thời gian dài, đau âm ỉ ngang vùng thắt lưng, có khi đau trội lên thành cơn.

+ Đau thắt lưng do thoái hóa cột sống: đau lưng nhiều, đau tăng khi trời lạnh, chườm nóng đỡ đau, chân tay lạnh, sợ lạnh, lưng gối mỏi đau, tiểu tiện nhiều lần, ù tai, ngủ ít.

+ Đau lưng do tâm căn suy nhược: bệnh nhân có biểu hiện đau lưng kèm theo các triệu chứng khác như: ù tai, ngủ ít, hồi hộp, nhức đầu, tiểu tiện vàng, đại tiện táo, trí nhớ giảm, miệng khô, nam giới có thể bị di tinh, nữ giới có thể bị rối loạn kinh nguyệt.

 

  1. Điều trị:

Mục đích của việc điều trị là giảm thiểu cơn đau càng nhanh càng tốt để phục hồi khả năng hoạt động hằng ngày của bệnh nhân, giúp bệnh nhân chống chọi với cơn đau còn lại. Đánh giá được tác dụng phụ của liệu pháp điều trị và tạo thuận lợi cho bệnh nhân.

  • Đau lưng cấp: do bệnh đau lưng cấp là hiện tượng diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn, chính vì thế các bạn có thể sử dụng một số biện pháp điều trị đơn giản là có thể hạn chế những cơn đau. Sau đây là một vài phương pháp mà các bạn có thể tham khảo: chườm nóng hoặc chườm lạnh, vật lý trị liệu, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tập thả lỏng cơ và thư giãn…
  • Đau lưng mạn: do bệnh đau lưng mạn là bệnh lý diễn ra trong một thời gian dài, chính vì thế có thể áp dụng một số phương pháp điều trị như sau: vật lý trị liệu, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dùng thuốc giảm đau - giãn cơ… Ngoài ra, người bệnh cũng có thể lựa chọn phương pháp điều trị an toàn và lành tính từ những bài thuốc nam: bài thuốc từ đu đủ, lá lốt, xương rồng, ngải cứu… hoặc là những bài thuốc dân gian được cha ông ta áp dụng nhiều đời mang lại hiểu quả tốt, ít gây tác dụng phụ.

Lưu ý: không phải việc điều trị lúc nào cũng có hiệu quả đối với mọi trường hợp và mọi đối tượng, nhiều người nhận ra rằng họ phải thử một số phương pháp điều trị khác nhau để biết được phương pháp nào có hiệu quả với họ nhất.

 

  1. Phòng bệnh:

  • Làm việc và lao động đúng tư thế. Không được cúi, quay người một cách đột ngột.

Cách nâng vật nặng đúng cách tránh gây tổn thương cơ, cột sống lưng.

Trước khi bê một hàng hóa nào đấy bạn cần xem tải trọng của nó, vật đó quá nặng bạn nên tìm người giúp đỡ hoặc có công cụ hỗ trợ, luôn nhớ rằng không được cố bê. Rất nhiều trường hợp do cố bê, mang vác mà bị thoát vị gây đau lưng cấp hậu quả nặng nề. Trong trường hợp trọng lượng vật đó vừa với sức của bạn, thì dưới đây là cách hướng dẫn bạn cách nâng đỡ hàng hóa đó như thế nào cho đúng.

+ Đứng sát vào vật cần bê.

+ Hạ thấp đầu gối, 2 chân dang rộng.

+ Cố gắng nâng vật cần bê một cách dứt khoát.

+ Yêu cầu mặc quần áo phù hợp, không mặc quần áo quá bó hoặc quá chật, không đi giầy cao gót…bởi như vậy chỉ khiến công việc của bạn thêm khó khăn hơn trong khi thực hiện.

Lưu ý: không được cong lưng khi nâng hàng hóa

  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao như: Yoga, khí công dưỡng sinh, tập dưỡng sinh kinh lạc, các bài tập chữa đau lưng …Việc tập luyện là hết sức quan trọng, nhất là những bài tập lưng, tập bụng. Những bài tập này giúp tăng cường sức mạnh, sự dẻo dai cho cơ lưng, cơ bụng. Nếu cơ lưng, cơ bụng săn chắc mới giữ cho cột sống thẳng, theo đúng đường cong sinh lý và khi ta cúi, vặn xoay người hạn chế bị đau.
  • Với người cao tuổi công năng tạng phủ thường bị suy giảm, vì vậy nên đến gặp các thầy thuốc YHCT có kinh nghiệm, uy tín để xem mạch và dùng thuốc YHCT hoặc thực phẩm chức năng có tính năng bồi bổ các tạng, nhất là bồi bổ tạng can thận để góp phần phòng tránh đau lưng.

 

Kỳ 8: Các bài tập phòng ngừa và hạn chế đau thắt lưng.

 

Bài tập 1: Nằm sấp thư giãn

  • Người bệnh nằm sấp, hai tay đặt dọc thân mình, đầu quay sang một bên, hít thở sâu vài lần sau đó nằm thư giãn, duy trì tư thế này trong 5 đến 10 phút. Thực hiện 3-6 lần trong ngày, cũng có thể nằm tư thế này khi nghỉ ngơi.
  • Tác dụng: Bài tập giúp phần lưng hơi ưỡn theo hình thái tự nhiên của cột sống, đẩy đĩa đệm về vị trí trung tâm.

 

 

 

Bài tập 2: Nằm sấp và duỗi thân ở tư thế chống trên hai khuỷu tay

  • Bắt đầu từ tư thế nằm như bài tập 1, đặt 2 khuỷu tay bên dưới vai, rồi duỗi thân và chống trên 2 khuỷu tay, hít thở sâu vài lần để cho các cơ vùng thắt lưng thư giãn hoàn toàn. Duy trì tư thế này trong 5 đến 10 phút hoặc lâu hơn nếu cảm thấy dễ chịu. Mỗi ngày tập 3-6lần.

 

 

Bài tập 3: Duỗi thân ở tư thế nằm sấp chống trên hai bàn tay

  • Bắt đầu từ tư thế nằm sấp như bài tập 1, đặt 2 bàn tay dưới vai, dần dần dùng lực 2 tay để nâng thân mình lên trong giới hạn đau chịu được tạo nên một sự võng thắt lưng, chú ý giữ cho khung chậuvà cẳng chân áp sát trên sàn tập, duy trì tư thế này trong 5 đến 10 p (có thể dài hơn nếu bệnh nhân thấy dễ chịu, đau giảm, triệu chứng khu trú lại). Lúc đầu cần thực hiện dần dần, sau đó nâng dần mức độ ưỡn thân mình về phía sau đến mức có thể được. Mỗi lần tập, thực hiện bài tập này 10 lần, tập 3-6 lần trong ngày.

 

 

 

Bài tập 4: Duỗi lưng ở tư thế đứng

  • Đứng thẳng với 2 chân dạng nhẹ, đặt bàn tay chống hông với các ngón tay hướng ra phía sau. Ưỡn thân về phía sau càng nhiều càng tốt, chú ý giữ hai khớp gối thẳng khi làm động tác,giữ tư thế này trong 3 đến 10p trở lại tư thế ban đầu. Cứ sau mỗi lần thực hiện thì cố gắng ưỡn người ra sau thêm một ít nữa để đạt dần đến mức tối đa.

 

 

  • Tác dụng: Bài tập giúp đẩy các đĩa đệm về trước, vào đúng vị trí của nó. Nó cũng giúp duy trì và cải thiện phạm vi chuyển động của lưng.

 

 

Bài tập 5: Gập 2 chân ở tư thế nằm

  • Bệnh nhân nằm ngửa với hai đầu gối gập, hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà hay mặt giường. Tiến hành gập 2 gối về phía ngực, dùng hai bàn tay ôm hai đầu gối và kéo đầu gối về phía ngực càng nhiều càng tốt. Sau mỗi động tác, cố gắng tăng dần mức độgập đến khi gối chạm đến ngực.
  • Trong khi làm chú ý không nâng đầu và không gập đầuvào thân, đồng thời không duỗi thẳng hai chân khi hạ thấp chân xuống khi làm động tác.
  • Bài tập này nhằm mục đích điều trị sự co cứng cơ ở vùng thắt lưng và sự giảm khả năng gập cột sống. Nó nên được thực hiện thận trọng. Trong một lần tập, thực hiện từ 5 hoặc 6 động tác này, mỗi ngày tập 3 đến 4 lần.
  • Bài tập này làm giảm sự ưỡn cột sống do đó sau khi làm bài tập này thì phải thực hiện ngay bài tập 3 ( để lấy lại độ ưỡn thắt lưng).

 

 

Bài tập số 6:

  • Bệnh nhân nằm ngửa, úp 2 tay xuống sàn song song với thân người làm điểm tựa, chống 2 cẳng chân vuông góc với sàn, dùng lực của lưng đẩy phần hông lên cao, đầu giữ nguyên trên mặt phẳng sàn, giữ nguyên tư thế đó đến lúc mỏi thì hạ xuống.
  •  

 

Bài tập số 7:

  • Bệnh nhân nằm sấp , 2 tay đặt vào mang tai , giữ nguyên nửa dưới cơ thể , dùng lực của khối cơ cạnh sống ngửa cổ lên hết biên độ rồi giữ nguyên tư thế đó đến lúc mỏi thì dừng.

 

 

  • Động tác nâng cao hơn của bài tập này : bệnh nhân nằm sấp , 2 tay xuôi theo thân mình , dùng lực của toàn bộ vai lưng đồng thời ngửa cổ và nhấc 2 chân lên khỏi mặt sàn giống như “con thuyền” , lúc đó chỉ còn tiếp xúc với sàn bằng bụng . Giữ nguyên tư thế đến lúc mỏi thì thả lỏng về tư thế nằm sấp.

 

Bài tập 8: Gập thân ở tư thế đứng

  • Người bệnh đứng thẳng, hai bàn tay để dọc thân, hai chân dạng. Cúi gập thân về trước, các ngón tay càng tiến gần đến 2 bàn chân càng tốt, rồi trở về tư thế ban đầu. Cứ sau mỗi lần tập bài này, cố gắng để gập thân càng nhiều càng tốt đến mức tối đa.
  • Bài tập này thực hiện sau khi tập bài tập 6 hai tuần mà hiệu quả, không gây đau. Khởi đầu, mỗi lần tập thực hiện lặp lại động tác 5 hoặc 6 lần. Mỗi ngày tập 1 đến 2 lần.
  • Sau khi kết thúc tập bài tập này phải thực hiện ngay bài tập 3. Trong thời gian 3 tháng kể từ khi hết đau, không thực hiện bài tập này ở thời điểm 4 giờ đầu tiên trong ngày.

 

 

Trên đây là những bài tập tổng hợp cho toàn bộ cơ thể, không chỉ giúp bạn giải tỏa được những cơn đau lưng, kéo giãn cơ mà còn kết hợp tập luyện cho vùng bụng, hông, đùi, bắp tay, bắp chân săn chắc hơn. Mọi người xem kỹ hướng dẫn tập tại kênh Youtube: Sao Đại Việt hoặc www.facebook.com/toasangtroiyeuthuong.

Chú ý:

  • Thời gian và cường độ luyện tập phụ thuộc vào sức khoẻ và thể trạng của từng người, sao cho trong quá trình tập và sau khi tập người tập có cảm giác thoải mái và dễ chịu. Thời gian tập lâu hay mau không quan trọng bằng việc tập đúng tư thế và đủ với thể trạng từng người,…
  • Việc hít thở trong luyện tập thường bị bỏ qua. Điều này dễ làm cho người tập bị mất sức, nhanh mệt mỏi, có khi rối loạn nhịp thở, nặng hơn thì hoa mắt chóng mặt dẫn đến phản tác dụng của việc luyện tập.