Tin mới
Search

(KỲ 4 + 5) - Chuyên đề 2: Đầu gối – Trụ cột của ngôi nhà sức khỏe.

Chấn thương đầu gối là chấn thương hay gặp. Nó xảy ra ở mọi lứa tuổi. Khi bị chấn thương đầu gối, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và lao động. Nếu chúng ta hiểu biết và có thái độ đúng về vấn đề chấn thương đầu gối sẽ giúp cho chúng ta giảm thiểu những rủi ro do vấn đề này mang lại.

Kỳ 4: Chấn thương đầu gối

Khớp gối là một khớp phức tạp. Nó cử động giống như bản lề cửa, cho phép chúng ta gấp và duỗi thẳng chân để có thể ngồi, ngồi xổm, chạy và nhảy. Nhưng với cử động sang bên hay quay, xoay rất ít, nên đầu gối dễ dàng bị thương tích bởi những chấn động từ phía bên hay do vặn xoay. Chấn thương đầu gối là chấn thương hay gặp. Mọi người cũng thường hay tự điều trị và nhiều trường hợp đã xảy ra những biến chứng do chưa đánh giá đúng được mức độ tổn thương và phương pháp điều trị chưa đúng. Qua chuyên đề này, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản, nền tảng để từ đó bạn đưa ra hướng xử trí ban đầu đúng đắn tránh tình trạng không làm được thầy thuốc cho mình mà lại trở thành “lang băm” hại mình.

Xử trí đúng, chăm sóc tốt ngay ban đầu các tổn thương đầu gối và tập phục hồi chức năng vận động của khớp gối là mốt chốt để đầu gối khỏe mạnh như trước khi chấn thương.

Khớp gối được tạo thành từ bốn thành phần chính: xương, sụn, dây chằng, gân. Đầu dưới xương đùi nằm ở phía trên của khớp gối. Đầu trên xương chày của cẳng chân ở phía dưới khớp gối. Xương bánh chè ở phía trước che chắn điểm gặp nhau giữa xương đùi và xương chày. Sụn ​​là mô đệm bao lót cho các đầu xương của khớp gối, giúp dây chằng trượt dễ dàng trên xương và bảo vệ xương khỏi bị va chạm. Có bốn dây chằng ở đầu gối hoạt động giống như những sợi dây thừng, giữ xương vào với nhau và ổn định chúng. Gân nối các cơ hỗ trợ khớp gối với xương ở đùi và cẳng chân (Cấu tạo khớp gối đã được trình bày kỹ ở kỳ 1, bạn có thể xem lại để hiểu rõ hơn).

Những chấn động như vậy thường thấy trong bóng đá, bóng rổ và ở mức độ ít hơn là quần vợt. Như vậy tổn thương đầu gối thường thấy ở những môn thể thao này.

Sử dụng trường diễn khớp gối là một cơ chế khác của tổn thương đầu gối, chính vì vậy mà các vận động viên chạy đường dài thường có vấn đề ở đầu gối.

Chấn thương đầu gối gồm chấn thương đột ngột và chấn thương do hoạt động quá sức.

 

 

 

Những chấn thương đột ngột

Các chấn thương trực tiếp ở gối như ngã, va đập hoặc cúi gập quá nhiều là nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau đột ngột khớp gối. Những chấn thương đột ngột thường là:

  • Bong gân, hay tổn thương dây chằng và gân; tổn thương da, mô mềm.
  • Trật khớp xương bánh chè, trật khớp gối.
  • Tổn thương sụn khớp.
  • Rạn, vỡ, gãy xương: xương bánh chè, đầu dưới của xương đùi, đầu trên của xương chày hoặc xương mác (xương cẳng chân).

Chấn thương do hoạt động quá sức

Hoạt động quá sức hay đặt áp lực quá nhiều lên gối có thể gây chấn thương. Các hoạt động thường ngày như lên xuống cầu thang, chạy, nhảy, mang vác vật nặng hay đi bộ có thể gây áp lực lên khớp và các mô xung quanh dẫn đến kích thích và viêm nhiễm. Những chấn thương phổ biến trong trường hợp này bao gồm:

  • Hao mòn phần đệm của khớp gối (sụn)
  • Các tình trạng mòn dây chằng như dây chằng chéo trước khớp gối(ACL)
  • Viêm bao hoạt dịch. Tình trạng viêm túi chất lỏng hỗ trợ đệm và bôi trơn cho gối
  • Viêm gân
  • Viêm gân mạn tính. Mòn dây chằng
  • Hội chứng nếp gấp, làm dây chằng dày lên hoặc gấp lại
  • Hội chứng đau bánh chè-đùi. Tình trạng này gây đau phía trước gối do hoạt động quá sức, tổn thương, thừa cân hoặc mắc các vấn đề ở xương bánh chè
  • Hội chứng dải chậu chày. Tình trạng này gây kích ứng và viêm mô xơ kéo dài đến bên ngoài của vùng đùi.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ, mức độ cho chấn thương đầu gối:

  • Béo phì. Khớp gối hấp thụ một lượng đáng kể lực được tạo ra với mỗi bước khi đi hoặc chạy. Những người thừa cân đáng kể có thể bị đau đầu gối vì trọng lượng dư thừa cần được hỗ trợ.

 

 

 

 

  • Mất cân bằng các cơ bao quanh và hỗ trợ đầu gối có thể dẫn đến chấn thương đầu gối. Nếu một trong hai nhóm cơ tứ đầu đùi hoặc cơ gân kheo

trở nên yếu, sự ổn định của đầu gối và khả năng chịu đựng chấn thương sẽ giảm.

  • Phụ nữ mang thai có nguy cơ chấn thương và đau đầu gối cao hơn do tăng cân, trọng tâm thay đổi của cơ thể và thay đổi nội tiết tố có thể làm suy yếu dây chằng và khiến chúng lỏng lẻo hơn.

Cách tự kiểm tra đầu gối.

Nhìn đầu gối:

  • Nhìn vùng da có bị trầy xước, bầm tím không (trong trường hợp bị ngã, va đập). Bầm tím là hiện tượng xuất huyết do dập cơ hoặc tổn thương mạch máu.
  • Nhìn cả hai đầu gối và so sánh xem có bị biến dạng không: có bị sưng không (nhất là trong trường hợp bị ngã, va đập). Sưng có thể do tích tụ chất hoạt dịch trong bao hoại dịch hay chất dịch ở trong khớp.
  • Nhìn cả hai đầu gối và so sánh xem có biểu hiện bị teo cơ, đặc biệt cơ tứ đầu đùi không (trong trường hợp bị đau đầu gối dài ngày) ( còn tiếp).

 

Kỳ 5: Chấn thương đầu gối

Chấn thương đầu gối là chấn thương hay gặp. Nó xảy ra ở mọi lứa tuổi. Khi bị chấn thương đầu gối, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và lao động. Nếu chúng ta hiểu biết và có thái độ đúng về vấn đề chấn thương đầu gối sẽ giúp cho chúng ta giảm thiểu những rủi ro do vấn đề này mang lại.

Sờ và thử các vận động đầu gối

Sau khi bị chấn thương, ngồi sờ nắn đầu gối xem có các điểm đau hay không. Càng đau chói, buốt thì mức độ chấn thương càng nặng.

Thử các động tác vận động khớp gối: như duỗi thẳng khớp gối, gập khớp gối, xoay khớp gối. Đối chiếu với ngày thường hoặc gối đối diện (nếu gối đó không bị chấn thương) xem có bị hạn chế vận động, hoặc trong quá trình vận động như vậy có bị đau nhiều không. Càng đau và hạn chế khi vận động thì mức độ chấn thương càng nặng. Nếu khớp gối không duỗi thẳng hoàn toàn được thì thường là do sụn chêm vị vỡ. Mảnh vỡ sẽ cản trở việc mở rộng của đầu gối.

Thử đứng lên, đi lại, xem có đau nhiều không, bước chân có bình thường không.

Trong trường hợp chấn thương do hoạt động quá sức, có một cách để đánh giá mức độ tổn thương đó là leo thử cầu thang. Đau khi leo cầu thang là một triệu chứng của chấn thương sụn khớp, trong đó sụn bị chèn ép trong khớp khi không gian khớp hẹp lại với uốn cong đầu gối. Đau khi đi xuống cầu thang cho thấy đau xương bánh chè, nơi xương bánh chè bị buộc vào xương đùi.

Lưu ý: khi duỗi cẳng chân thì xương chầy (xương ống chân) quay ra ngoài. Sự đảo ngược sẽ diễn ra khi cẳng chân gập lại. Thông thường cẳng chân gập được vào sát đùi góc xấp xỉ 135 độ (từ tư thế duỗi hết mức) và quay vào trong hay quay ra ngoài góc xấp xỉ 10 độ .

 

CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ

Phân loại tổn thương

Độ 1 : Đau vừa và đau nhức nhối, hơi sưng, không có bất ổn định hoặc bất lực rõ rệt.

Độ 2: Đau và nhức nhối dữ dội hơn, sưng vừa, khó bước đi, không ổn định khớp một phần với bất lực trung bình.

Độ 3: Đau dữ dội, sưng to, bất ổn định nhiều, bất lực hẳn khớp gối.

 

Xử trí tức thời

Cần phải đánh giá được mức độ tổn thương để có thái độ xử trí đúng.

Nếu chấn thương có chảy máu thì phải tìm cách cầm máu.

Nếu có biểu hiện gãy xương, lỏng lẽo khớp gối thì phải tìm cách cố định khớp gối. Dùng nẹp, dùng cành gỗ … thanh cứng để buộc cố định. Trong trường hợp không thể tìm được gì để cố định thì có thể buộc chặt hai chân vào với nhau để dùng chân bên lành, cố định chân bên gãy.

Cách xử trí khi bị thương trầy xước, mất mảng da. Trong cuộc sống hàng ngày những chấn thương đầu gối hay gặp ở mức độ nhẹ hơn. Thường gặp trường hợp ngã chảy máu do trầy xước da. Sau đây là cách xử trí vết thương do trầy, mất mảng da. Rửa sạch vết thường dưới vòi (hoặc tia hoặc dòng) nước sạch là tốt nhất. Không được dùng cồn hay nước oxy già dội trực tiếp lên vùng da bị tổn thương. Cũng không nên dùng cồn i ốt sát lên vết thương. Vì nếu làm như vậy những tế bào khi tiếp xúc với cồn, oxy già, dung dịch I ốt sẽ bị chết đi, sau này quá trình liền vết thương sẽ lâu hơn. Sau khi vết thương được rửa sạch dưới dòng nước sạch, ta dùng cồn I ốt sát khuẩn phần ngoài rìa vùng da bị tổn thương. Bông sạch thấm cồn I ốt, sát khuẩn từ trong ra ngoài theo đường xoáy trôn ốc. Vết thương nên để hở, trừ khi đi khỏi nhà, mặc quần thì dùng gạc y tế vô khẩn băng lại. Tránh nước lã thấm vào vùng vết thương nhất là khi tắm. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu để nước lã thấm vào vết thương thì vết thương sẽ mưng mủ và lâu liền hơn.

Bạn nên lưu ý rằng: bất kể mức nặng nhẹ của thương tích, mục đích của xử trí tức thời là làm giảm sưng và đau dữ dội. Bǎng ép và chườm đá sớm có thể làm giảm sưng. Nên quấn bǎng đàn hồi, tốt nhất là có bề rộng 15 cm. Sau khi được băng ép chặt, bạn phải theo dõi xem có sưng ở phần dưới cẳng chân không, nếu thấy sưng thì bǎng lại với áp lực giảm đi. Chườm lạnh có thể dùng để làm giảm sưng trong 48 giờ đầu sau khi bị thương tích. Nên xoa nhẹ trên vùng bị thương tích trong 15 phút, cứ 4 giờ một lần.

Mức độ chấn thương đầu gối nào thì phải đi khám?

Tốt nhất thì tất cả các chấn thương đầu gối xảy ra cần phải được đi khám để tránh bỏ xót tổn thương và hạn chế biến chứng. Còn những trường hợp sau đây là bắt buộc phải đi khám ngay lập tức:

  • Gần như ngay lập tức sưng ở đầu gối.
  • Nếu xương xuất hiện biến dạng.

 

  • Nếu không có khả năng chịu trọng lượng.
  • Nếu đau không thể chịu đựng được.
  • Nếu có mất cảm giác dưới vị trí chấn thương,
  • Nếu bàn chân và mắt cá chân lạnh và không thể cảm nhận hoặc giảm cảm giác.

Ngoài ra, các triệu chứng khác có thể gợi ý sự cần thiết phải chăm sóc y tế bao gồm đau và sưng tái phát, tự điều trị tại nhà thấy không giảm, hoặc mức độ giảm ít. Khớp bị sưng không bao giờ là bình thường cả. Nếu nó có màu đỏ và ấm hoặc nếu có sốt liên quan, cần phải đi khám ngay vì có khả năng bị nhiễm trùng ( còn tiếp).

 

Điều trị

Điều trị tổn thương khớp gối tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của chấn thương và tổ chức bị tổn thương. Nếu trong trường hợp phải bó bột thì người bệnh luôn lưu ý theo dõi xem chân có bị sưng to hơn không, có bị mất cảm giác không, có bị căng tức chân bó bột không … Tức là phải luôn theo dõi vùng chân bị bó bột và có bất cứ vấn đề gì thì nên báo ngay cho bác sĩ, đừng có cố chịu đựng. Vì đã có những trường hợp xảy ra những biến chứng nặng nề do bệnh nhân về nhà cứ chịu đựng không báo cho bác sĩ biết tình trạng để kịp thời xử lý.

Sau khi bị chấn thương, nếu người bệnh đi lại thấy đầu gối chân đau tăng lên, kể cả đi chụp phim XQ bác sĩ xác định không bị gãy xương, thì đều phải mang nạng và khám lại trong vòng 48 giờ.

Nếu tổn thương ở dây chằng, rách hoàn toàn (tổn thương độ 3) thường phải phẫu thuật. Tuy nhiên không cần phải làm ngay, có thể trì hoãn 7 đến 10 ngày rồi mới phẫu thuật. Vì cần phải điều trị để giảm bớt sưng, phù nề, từ đó hạn chế nhiễm trùng và nhanh phục hồi ở giai đoạn sau phẫu thuật. Các tổn thương sụn chêm không lành được, nên hầu hết cũng cần phải phẫu thuật.

Nếu các tổn thương ở độ 2 thì thường bó bột, nhưng phải lưu ý tránh teo cơ quá mức và nên tập phục hồi chức năng sớm để tránh cứng khớp.

Nếu các tổn thương ở độ 1 thì có thể tự chăm sóc tại nhà nhưng phải lưu ý nếu trong vòng 2 – 3 ngày mà triệu chứng đau, sưng không cải thiện hoặc tiến triển nặng hơn thì phải đi khám ngay chứ đừng chủ quan hay cố chịu đựng.

Nếu tổn thương độ 1 và bị thương trầy xước, mất mảng da. Sau khi đã xử trí tránh nhiễm khuẩn vết thương như đã hướng dẫn ở phần trên thì hằng ngày phải thay băng gạc và sát khuẩn vết thương theo cách như hướng dẫn ở phần trên. Nhưng phải luôn nhớ rằng tránh nước thấm vào vùng vết thương vì như vậy sẽ bị mưng mủ và lâu liền.

Nếu vùng thương tích không bị trầy xước và chảy máu. Thì sau khi đã được xử trí bằng băng ép và chườm đá như hướng dẫn ở phần trên thì chúng ta phải nhớ các biện pháp sau đây phải được làm đồng thời để nhanh chóng phục hồi, bao gồm: nghỉ ngơi, băng nén và nâng cao chân. Nghỉ ngơi và nâng cao chân là rất quan trọng. Mục đích là giảm áp lực do trọng lực dồn xuống đầu gối. Chính vì vậy khi chúng ta đi lại, kể cả việc đi lại trong nhà hay đi vệ sinh thì đều phải dùng nạng. Ngoài ra có thể chườm nóng. Sau 48 giờ (chờ một chút để phù nề rút xuống), chườm nóng trong 30 phút, 3 đến 4 lần một ngày có thể làm mau lành hơn. Một miếng đệm nóng, chai nước nóng, cái đèn nóng đều có thể dùng được. Trong y học dân gian, có nhiều loại lá đắp chườm cũng có tác dụng giảm đau và giảm sưng tốt. Nhưng phải hỏi người có kinh nghiệm chuyên môn hoặc kinh nghiệm dùng rồi. Cũng luôn phải theo dõi chặt vùng da đắp hay chườm lá kẻo vùng da đó bị phỏng, loét.

Phục hồi chức năng

Mục đích chính của phục hồi chức nǎng là hạn chế biến chứng và giúp cho khớp phục hồi hoạt động như bình thường. Chúng ta không chỉ quan tâm đến sự lành lại của cấu trúc bị tổn thương, mà còn phải chú ý đến điều kiện của các cơ và dây chằng hỗ trợ khác, cũng như sự khoẻ mạnh lại của bộ phận bị tổn thương, của toàn bộ cơ thể. Trong thực tế, tôi đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi phẫu thuật xong bệnh nhân vẫn hạn chế vận động khớp gối. Điều này không phải cuộc phẫu thuật không thành công mà do bệnh nhân bị cứng khớp vì không được tập phục hồi chức năng sớm. Kể cả những bệnh nhân bó bột cũng vậy, có rất nhiều người sau khi tháo bược bột ra thì bị teo cơ và cứng khớp. Lúc này mới bắt đầu điều trị phục hồi chức năng thì phục hồi sẽ lâu. Sức mạnh của sợi cơ, dây chằng và trương lực cơ nói chung, tất cả bị mất đi trong vòng mấy tuần, thậm chí mấy ngày nếu không hoạt động. Vì vậy mà bệnh nhân phải được tập phục hồi chức năng sớm. Sau phẫu thuật hoặc bó bột, bệnh nhân cần phải được chuyên gia về phục hồi chức năng hướng dẫn cách vận động để hạn chế teo cơ và cứng khớp.

Có thể ngăn ngừa chấn thương đầu gối?

Đối với việc chơi thể thao, để hạn chế những chấn thương đầu gối thì chúng ta nên dùng đai bảo vệ gối. Còn đối với những chấn thương trong sinh hoạt thì khó mà phòng tránh chỉ hạn chế thông qua những việc sau:

- Tăng cường luyện tập dưỡng sinh nhất là bài tập Dưỡng sinh Kinh lạc, đạp xe, yoga … giúp tăng sự dẻo dai cho cơ, dây chằng và duy trì khả năng vận động, phạm vi chuyển động của khớp gối. Cơ dây chằng giúp ổn định khớp. Với đầu gối, có cơ tứ đầu đùi và cơ gân kheo khỏe, dẻo dai và  có thể ngăn ngừa những căng thẳng nhỏ đến đầu gối gây ra chấn thương đáng kể.

- Giày dép phù hợp cũng có thể giảm thiểu rủi ro chấn thương đầu gối. Mang giày phù hợp với hoạt động có thể làm giảm nguy cơ xoắn và các lực khác có thể gây căng thẳng cho đầu gối.

- Cẩn thận bị trượt ngã: Trong nhà vệ sinh, nhà tắm… Với NCT khi thay quần áo trong nhà vệ sinh nên mang theo ghế để ngồi, không nên đứng khi thay quần.

- Với NCT, theo tiến trình lão hóa, chức năng của xương, khớp sẽ yếu hơn. Vì vậy cần phải tăng cường chức năng của xương, khớp thông qua việc sự dụng những thực phẩm chức năng bổ sung sưỡng chất cho xương, cho khớp như canxi hữu cơ, dưỡng khớp ngũ lão… Có như vậy, khi không may bị chấn thương thì cũng giảm thiểu được những tổn thương.

Kết luận:

Đầu gối là phần dễ tổn thương nhất khi phải chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể trong khi làm việc cũng như khi chơi.Vì thế, mà chấn thương đầu gối thường hay xảy ra nhất.Việc xử trí đúng, phối hợp điều trị tốt, và biết cách phòng ngứa sẽ đem lại những lợi ích lớn.